Sáng ngày 31/3/2023, Trường Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức “Hội đồng thẩm định Chương trình đào tạo đại học Y khoa Cải tiến và các điều kiện đảm bảo chất lượng” và “Hội đồng thẩm định Chương trình đào tạo đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh và các điều kiện đảm bảo chất lượng”.
Hội đồng thẩm định được tổ chức đúng theo quy định hiện hành của Bộ giáo dục và Đào tạo. Hội đồng gồm 05 thành viên, là những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực y khoa, nghiên cứu khoa học và lâm sàng do TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ – Phản biện 1; GS. TS. BS. Trần Thị Lợi, Trưởng Bộ môn Sản phụ khoa và Sức khoẻ sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) – Phản biện 2; PGS. TS. BS. Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất – Uỷ viên đại diện nhà tuyển dụng; ThS. BSCKII. Đoàn Lê Minh Hạnh, Giáo vụ Sau đại học Bộ môn Nội Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch – Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình đào tạo đại học Y khoa Cải tiến và các điều kiện đảm bảo chất lượng; ThS. BSCKII. Mai Duy Linh, Giáo vụ Đại học Bộ môn Nội Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch – Thư ký Hội đồng thẩm định Chương trình đào tạo đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh và các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Về phía nhà trường, buổi thẩm định có sự hiện diện của PGS. TS. BSCKII. Trần Thị Khánh Tường, Trưởng Khoa Y, Trưởng Bộ môn Nội, Chủ tịch Hội đồng rà soát, đánh giá tổng thể chương trình đào tạo Y khoa hiện hành và xây dựng chương trình đào tạo Y khoa cải tiến và Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo Y khoa tăng cường tiếng Anh, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch – Báo cáo viên; ThS. BS. Nguyễn Dũng Tuấn, Trưởng Phòng Khảo Thí; TS. BS. Phùng Đức Nhật, Trưởng Phòng Bảo đảm Chất lượng; ThS. BS. Hồ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Bảo đảm Chất lượng; TS. Đặng Thị Thuỳ Linh, Phó Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Đại học; cùng với sự hiện diện các Thầy, Cô là thành viên của 2 Hội đồng rà soát, đánh giá tổng thể chương trình đào tạo Y khoa hiện hành và xây dựng chương trình đào tạo Y khoa cải tiến và tăng cường tiếng Anh.
Đại diện khoa Y, PGS.TS.BS. Trần Thị Khánh Tường – Trưởng Khoa Y, Chủ tịch Hội đồng biên soạn 2 Chương trình này đã trình bày tóm tắt lần lượt về CTĐT đại học Y khoa cải tiến và CTĐT đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh. Cả hai CTĐT là thành quả của quá trình nghiên cứu, tham khảo tài liệu; Khảo sát các bên liên quan; Xây dựng chuẩn đầu ra cho từng CTĐT; So sánh cấu trúc chương trình hiện hành với các trường Y khác; Thay đổi cấu trúc và nội dung chương trình Y khoa cải tiến; Cải tiến phương pháp dạy và học; Cải tiến phương pháp lượng giá và đánh giá; Xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng cho chương trình đào tạo.
Cụ thể, tổng số môn học/học phần từ CT Y khoa hiện nay từ 93 giảm xuống còn 84. Tổng số tín chỉ vẫn là 195 tín chỉ trong đó số tín chỉ thực hành là 85, số tín chỉ lý thuyết là 110. Số môn học/học phần có 1 tín chỉ của CT hiện nay là 21 giảm xuống 10 môn học/học phần. Số tín chỉ sức khỏe cộng đồng từ 18 giảm còn 15 tín chỉ. Có 5 học phần mới được bổ sung gồm: (1) Kỹ năng lâm sàng về Sản- Nhi: 2 tín chỉ, (2) Nghiên cứu khoa học – Y học chứng cứ: 1 tín chỉ; (3) Cấp cứu thông thường: 1 tín chỉ; (4) Tính chuyên nghiệp – Giáo dục liên ngành: 2 tín chỉ; (5) Chăm sóc giảm nhẹ: 1 tín chỉ. Chương trình cải tiến có phân thêm các học phần tự chọn – bổ trợ. Phương pháp dạy và học tích hợp cả 3 thể loại: thuyết giảng, trực quan và thực tập để nâng cao chất lượng giảng dạy và các kỹ năng, kiến thức đạt tiêu chuẩn cao cho sinh viên. Phương pháp kiểm tra, đánh giá và lượng giá theo đó cũng đa dạng phong phú với 9 loại hình khác nhau.
Hiện tại, Khoa Y tại trường có 29 bộ môn: với số lượng giảng viên hùng hậu khoảng 300 GV cơ hữu và 300 GV thỉnh giảng. Phòng quản lý thực hành lâm sàng là đặc thù tại trường để tăng chất lượng về quản lý việc thực hành tại 53 cơ sở thực hành lâm sàng.
Về phần thẩm định Chương trình đào tạo đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh với tiêu chuẩn đầu vào cần trình độ Tiếng Anh IELTS 5.0 hay tương đương; giúp sinh viên sử dụng tiếng Anh trong y khoa thành thạo và toàn diện. Nguyên tắc xây dựng Chương trình Y khoa tiếng Anh hoàn toàn giống với CT YK cải tiến chỉ trừ PLO2 (năng lực ngoại ngữ) yêu cầu SV có khả năng thực hiện các hoạt động chuyên môn khai thác bệnh sử, tư vấn, thăm khám, viết bệnh án và trình bày bệnh án bằng Tiếng Anh.
Về cơ bàn nội dung 2 chương trình đào tạo Y khoa không nhau, có 2 sự khác biệt. Thứ 1, chương trình Y khoa tăng cường Tiếng Anh được bổ sung thêm 12 tín chỉ Anh văn chuyên ngành (kéo dài từ nắm đến năm 5) nâng tổng số tín chỉ lên 16 tín chỉ. Bộ môn ngoại ngữ sẽ trang bị cho sinh viên các kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành để phục vụ cho chuyên môn y khoa trong thời đại mới. Thứ 2, khoảng 10% các bài giảng lý thuyết của các học phần giáo dục ngành, chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, cụ thể là 134 bài trong chiếm tỷ lệ 10,5%. Thực hành lâm sàng, sinh viên sẽ trình bệnh án bằng tiếng Anh khoảng 1 lần/ tuần
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đã có những nhận xét, góp ý, bổ sung để chương trình được hoàn thiện tốt hơn. Song song đó, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đã có những đánh giá rất tích cực đối với nội dung CTĐT đại học Y khoa cải tiến và CTĐT đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh của Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, đáp ứng được nhu cầu người học, đặc biệt là phù hợp với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, mục tiêu của CTĐT phù hợp và gắn kết với sứ mạng của nhà trường, thể hiện được sự kỳ vọng của nhà trường về năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, có khả năng tham gia can thiệp và giải quyết các vấn đề về sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, có khả năng nghiên cứu khoa học và tự nâng cao trình độ. Các chuẩn đầu ra (CĐR) bao phủ được yêu cầu về giáo dục tối thiểu cần phải đạt theo quy định, rõ ràng, thiết thực phù hợp với mục tiêu đào tạo,…
Buổi thẩm định đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy định. Sau hơn 2 giờ làm việc, Hội đồng thẩm định kết luận thông qua 100% CTĐT đại học Y khoa Cải tiến và CTĐT đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh và không cần chỉnh sửa. Tuy nhiên, thay mặt nhóm biên soạn, PGS. TS. BSCKII. Trần Thị Khánh Tường đã tiếp thu các ý kiến góp ý và sẽ chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng nhằm hoàn thiện tốt nhất CTĐT đã được xây dựng.
CTĐT đại học Y khoa Cải tiến và CTĐT đại học Y khoa tăng cường tiếng Anh đã được thẩm định là thành quả của sự nỗ lực và cố gắng không ngừng của Hội đồng biên soạn, của tập thể Khoa Y và các đơn vị liên quan như phòng QLĐTĐH, Khảo thí, Đảm bảo Chất lượng, Đơn vị Phát triển Giảng viên cùng với sự quan tâm và đầu tư của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch. Trải qua quá trình nghiên cứu, xây dựng và thẩm định nghiêm túc, hai CTĐT được thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, gắn nội dung CTĐT với các điều kiện đảm bảo chất lượng và sản phẩm đầu ra, lấy người học làm trung tâm, lấy nhu cầu xã hội làm mục tiêu. Góp phần đào tạo cho đất nước những y, bác sĩ chất lượng cao, giỏi tay nghề, giàu y đức, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Kết thúc